4 cách thở giúp mẹ bầu giảm đau khi chuyển dạ

9:10 AM |

Có nhiều phương pháp hỗ trợ đắc lực cho mẹ bầu đỡ đau hơn khi chuyển dạ, một trong những phương pháp đó là thở đúng cách.

Thở đúng cách vừa giúp giảm đau khi chuyển dạ vừa làm tăng lượng oxy cho cả mẹ và bé. Khi căng thẳng hay hoảng hốt, hơi thở trở nên nhanh và nông, có thể khiến bạn mất bình tĩnh và sớm kiệt sức. Vì thế, học cách thở đúng sẽ giúp ích cho mẹ bầu trong cơn chuyển dạ.
1. Thở chậm - sâu
Kiểu thở này được dùng trong giai đoạn đầu tiên của chuyển dạ, cổ tử cung mở dưới 3cm.
Khi có cơn co tử cung, bắt đầu bằng hơi thở sâu rồi thở chậm - sâu (hít bằng mũi, thở ra bằng miệng), thở chậm rãi, đều đặn và chấm dứt với một hơi thở sâu khi hết cơn co. Khi hít vào sao cho bụng phình lên, thở ra bụng xẹp xuống.
Thở 4-6 nhịp cho một cơn co tử cung khoảng 25-30 giây.

2. Thở ngực nhanh - nông

Kiểu thở này được dùng trong giai đoạn hoạt động, cổ tử cung mở 4-7cm, cơn co thường mạnh hơn, dài hơn và dầy hơn.
Khi có cơn co tử cung, bắt đầu với một hơi thở sâu, tiếp theo đó là thở ngực nông. Khi cường độ cơn co càng lên cao thì càng thở nhanh hơn. Thở chậm lại khi cơn co giảm dần rồi lấy một hơi thở sâu khi cơn co chấm dứt.
Thở 20-25 nhịp/ 1 phút. Thở chậm hơn vào đầu và cuối cơn co, thở nhanh hơn vào giữa cơn co.

4 cách thở giúp mẹ bầu giảm đau khi chuyển dạ 1
3. Thở thổi nến
Được dùng trong giai đoạn chuyển tiếp, khi cổ tử cung mở 7-9cm, cơn co tử cung mạnh, khoảng cách giữa 2 cơn co ngắn, sản phụ thường mắc rặn vì ngôi thai xuống và đè vào trực tràng. Kiểu thở này giúp làm giảm áp lực từ tử cung, tránh rặn sớm.
Khi cơn co bắt đầu, hít một hơi thở sâu, kế đó thở nhanh, nông 4 lần rồi thổi mạnh một lần qua miệng, lại tiếp tục thở nhanh nông 4 lần rồi thổi ra. Cứ thế cho đến hết cơn co và chấm dứt một hơi thở sâu.

4. Rặn

Kiểu thở này được dùng trong giai đoạn 2 của chuyển dạ, khi cổ tử cung mở trọn và người mẹ muốn rặn. Tư thế để rặn là tư thế "cong chữ C".
Khi có cơn co, lấy 2 hơi thở sâu kế đó hít một hơi dài, giữ hơi và bắt đầu rặn xuống. Khi rặn tựa cằm vào ngực, mắt nhìn xuống rốn, hết hơi bà mẹ nên rặn tiếp tục và hít một hơi thở sâu khác, giữ hơi và tiếp tục rặn, đến khi hết cơn co tử cung.
Khi hít thở chậm sâu các bà mẹ có thể thực hiện bất cứ tư thế nào cũng được như đang nằm, đứng hoặc ngồi, các bà mẹ càng thư giãn thì việc hít thở càng hiệu quả.
Theo Trí thức trẻ
Read more…

10 yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ của mẹ bầu

9:05 AM |

Làm theo những lời khuyên dưới đây giúp mẹ bầu dễ dàng có một giấc ngủ ngon.

1. Không gian phòng ngủ thoáng đãng
Các chuyên gia y tế cho rằng nên giữ cho phòng ngủ của mẹ bầu được thông gió và không nên mở điều hòa trong thời gian dài. Mẹ bầu có thể dùng quạt điện để không khí trong phòng được thoáng đãng và tạo cảm giác mát mẻ khi đi ngủ. Không khí trong lành rất có lợi cho sự phát triển của thai nhi.
10 yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ của mẹ bầu 1
 
2. Mặc đồ ngủ rộng, thoải mái
 
Mẹ bầu nên chọn đồ ngủ rộng rãi, được may bằng chất liệu vải bông có tác dụng thấm mồ hôi và tạo cảm giác khô thoáng.
 
3. Tắm trước khi ngủ
Tắm hoặc ngâm chân trong nước ấm là điều mẹ bầu rất nên làm trước khi đi ngủ. Tắm nước ấm khoảng 35 – 38 độ C giúp thư giãn cơ bắp, làm giảm mệt mỏi và có tác dụng tâm lý nhất định đối với mẹ bầu.
10 yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ của mẹ bầu 2
 
4. Không nên uống rượu và uống nhiều nước trước khi ngủ
 
Rượu là chất kích thích làm thần kinh rơi vào trạng thái hưng phấn, đây là điều không tốt đối với một giấc ngủ ngon. Hơn nữa, rượu cũng như bất kỳ loại nước uống nào nếu uống nhiều sẽ làm đầy bàng quang, gây ra hiện tượng tiểu đêm, ảnh hưởng xấu đến chất lượng giấc ngủ của mẹ bầu.
 
5. Tránh vận động mạnh trước khi ngủ
Các bài tập thể dục cường độ cao và các hoạt động đòi hỏi nhiều sức lực là điều cần tuyệt đối tránh trong thời gian mang thai, đặc biệt là trước khi đi ngủ. Bà bầu có thể thư giãn gân cốt và vận động nhẹ nhàng bằng cách đi bộ sau giờ ăn trưa là phù hợp nhất.
10 yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ của mẹ bầu 3
 
6. Uống sữa trước khi ngủ
 
Theo nhiều nghiên cứu, uống một ly sữa ấm trước khi ngủ 30 phút đến 1 tiếng sẽ làm tăng chất lượng giấc ngủ của con người. Mẹ bầu có thể áp dụng cách này để vừa có giấc ngủ ngon, vừa bổ sung được chất dinh dưỡng cho cơ thể và thai nhi.
 
7. Giữ tâm lý cân bằng
Mẹ bầu không nên đem nỗi sợ hãi và lo lắng lên giường ngủ vì như vậy rất khó ngủ và giấc ngủ không được sâu.

8. Massage nhẹ nhàng
Xoa bóp vừa độ giúp mẹ bầu làm giảm căng cơ, thả lỏng cơ bắp và có thể bạn không tin nhưng massage còn làm thư giãn tinh thần. Vì vậy, massage nhẹ nhàng trước khi ngủ là điều rất tốt cho sức khỏe mẹ bầu.
10 yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ của mẹ bầu 4
 
9. Tưởng tượng một chút trước khi ngủ
 
Thả lỏng đầu óc và tưởng tượng một chút về những điều mình thích hoặc mơ ước có được giúp các dây thần kinh được thư giãn và mẹ bầu nhanh chóng đi vào giấc ngủ.
 
10. Lựa chọn tư thế ngủ thích hợp

Tùy từng giai đoạn của thai kỳ, tình trạng sức khỏe và ý thích cá nhân mà mẹ bầu có thể chọn cho mình tư thế ngủ phù hợp nhất dù các bác sĩ cho rằng nằm nghiêng về bên phải có thể giúp mẹ bầu giảm áp lực trên bụng, tạo cảm giác thoải mái cũng như dễ ngủ hơn. Một số mẹ bầu còn có sáng kiến đặt một chiếc gối mềm đỡ dưới lưng để có tư thế thoải mái và dễ ngủ hơn.
Theo Trí thức trẻ
Read more…