Cách dậy con tuổi dậy thì

9:05 AM |

Những điều chỉnh đúng đắn của cha mẹ khi con ở tuổi dậy thì sẽ giúp trẻ trở thành ngời mà bạn mong muốn trong tương lai.

Cách dậy con tuổi dậy thì
Cách dậy con tuổi dậy thì

 

Tuổi dậy thì là lứa tuổi con đang đứng giữa ranh giới trẻ con và người lớn vì thế định hướng cho con là hết sức quan trọng. Những điều chỉnh đúng đắn trong giai đoạn này sẽ giúp con trở thành ngời mà bạn mong muốn trong tương lai. Nhưng trên thực tế, điều này không hề dễ dàng.

Con bạn đang ở tuổi dậy thì, bạn bối rối vì sự phá cách, thể hiện cá tính quá đáng cũng như những thay đổi tâm tính của con và không biết điều chỉnh bằng cách nào. Bạn sẽ phải làm gì để giúp con và giúp chính mình?
Một vài điều cha mẹ nên biết khi con ở tuổi dậy thì 1
Ảnh minh họa
1. Thiết lập các tiêu chuẩn
Hiện nay, các bậc cha mẹ giáo dục con thoáng hơn, không hà khắc như trước kia mà cho trẻ nhiều khoảng không gian riêng để tự do thể hiện cá tính của mình.

Đó là một cách giáo dục thực sự tốt nếu như chúng ta biết thiết lập những tiêu chuẩn rõ ràng, đầy đủ. Bởi với trẻ đang ở tuổi dậy thì, bao nhiêu tự do vẫn là chưa đủ. Nếu chúng ta thả lỏng trẻ quá vô tình trẻ sẽ trượt dài khỏi các quy chuẩn.

Vì vậy, hãy luôn quy định những tiêu chuẩn rõ ràng như phải về nhà trước 10h đêm, không được hút thuốc, uống rượu, không đưa bạn khác giới về nhà khi cha mẹ vắng nhà,... cho con và đòi hỏi con phải tôn trọng điều đó nếu muốn cha mẹ tôn trọng khoảng không gian tự do của mình.

2. Hãy cho trẻ hiểu rằng cần phải tôn trọng những giới hạn

Hoàng Anh (16 tuổi) được mẹ cho phép làm tất cả mọi việc còn bố thì không mấy quan tâm đến việc em đang làm gì. Chính điều này đã khiến Hoàng Anh cảm thấy bố mẹ không quan tâm, chú ý gì đến mình và tìm mọi cách thu hút sự quan tâm của cha mẹ.

16 tuổi, em hút thuốc, xỏ khuyên mũi, thay đổi kiểu tóc liên tục và kết thúc là nghiện ma túy và phải vào trại giáo dưỡng ở tuổi thiếu niên.
Ngược lại, Mai Uyên (17 tuổi) luôn được cha mẹ nhắc nhở về những giới hạn mình có thể làm. Em phải về nhà trước 10h đêm, phải báo cho bố mẹ biết mình sẽ đi đâu và làm gì. Mẹ không cho em nhuộm tóc trước tuổi 18. Và tất nhiên, cô bé Mai Anh đã có một số điểm tốt nghiệp trung học khá cao và nhiều cơ hội vào đại học.

Mai Anh chia sẻ rằng em biết ơn những quy định mà cha mẹ đã đặt ra để bảo vệ em và em biết cha mẹ đã yêu thương mình như thế nào. Như vậy, những giới hạn và các quy định không bao giờ làm bạn trở nên quá nghiêm khắc và khó gần với con mà ngược lại.

Rõ ràng những giới hạn hợp lý sẽ giúp bạn thể hiện tình yêu thương của mình với con và tất nhiên, con bạn hoàn toàn có thể cảm nhận được điều này.

Một vài điều cha mẹ nên biết khi con ở tuổi dậy thì 2
Ảnh minh họa
3. Thiết lập những quy định nghiêm ngặt nhưng luôn vị tha với những lỗi lầm

Bạn đang lưỡng lự không biết đặt ra những quy định nào cho con thì đừng do dự, hãy đặt ra những quy định nghiêm ngặt nhất. Tuy nhiên, nếu con bạn có lỡ vi phạm thì cũng không cần đến những hình phạt nghiêm khắc mà hãy hành động bằng những gì trái tim bạn mách bảo, cho con một cơ hội để làm lại.

Chính điều này sẽ làm con tôn trọng bạn nhiều hơn. Trẻ vị thành niên là như thế, luôn bốc đồng và nhạy cảm. Những quy định nghiêm khắc hoàn toàn không khiến cho con ghét bạn những chính cách bạn giúp con xử lý rắc rối và dạy con khôn lớn qua những sai lầm mới giúp con kính trọng và yêu thương bạn nhiều hơn.
Theo Tri thức trẻ
Read more…

Cách dạy con đọc chữ

8:21 AM |

Cách cực hay dạy trẻ 1- 2 tuổi học chữ

Không cần sách vở, không tạo áp lực cho con, các mẹ vẫn có thể dạy cho bé biết đọc mà không cần đưa con đến các lò luyện chữ vào lớp 1.
Cách dạy con đọc chữ
Cách dạy con đọc chữ


GS Nguyễn Công Khanh, chuyên gia tâm lý trẻ em ở ĐH Quốc gia Hà Nội, từng có nhiều năm nghiên cứu ở Australia, cho rằng: “Từ trước đến nay, trẻ 1-2 tuổi chỉ được dạy nói thuần túy, vậy có thể kết hợp với dạy đọc. Lứa tuổi này cũng là lứa tuổi thiên tài về trí nhớ, trẻ có khả năng ghi nhớ rất tốt. Việc tiếp nhận thông tin cũng khác với khi trẻ đã lớn, chúng học bằng mọi giác quan, vì vậy có cơ sở để cha mẹ vừa dạy con nói và vừa dạy con biết đọc”.
Cha mẹ hoàn toàn có thể dạy trẻ học chữ khi bé mới được 1 - 2 tuổi. (Ảnh minh họa).

Bé Chíp nhà chị Ngân được mẹ tập cho làm quen với chữ từ khi 1,5 tuổi. Bây giờ Chíp 4 tuổi nhưng đã có thể đọc truyện vanh vách. Mà cách dạy của chị Ngân rất đơn giản, không sách vở, không gây áp lực cho con, tất cả chỉ đơn giản là vừa chơi vừa học.

Khi bé Chíp được hơn 1,5 tuổi, chị Ngân mua về cho con một bảng chữ cái to, đầy màu sắc, mỗi chữ cái to bằng quân bài tú-lơ-khơ cho con chơi. Để con dần dần thuộc mặt chữ, chị nghĩ ra cách chơi đồ hàng với con. Hàng tối, cả nhà chơi đồ hàng, bố mẹ đóng vai là khách, cho bé Chíp là chủ quán, oai lắm nhé! “Bác ơi bán cho tôi chữ A, chữ B,...” và với sự giúp đỡ của bố hoặc mẹ bé sẽ lần tìm ra đúng chữ “khách hàng” cần mua. Ban đầu bé cần sự giúp đỡ của bố mẹ, sau này nếu bé tự tìm ra đúng chữ, cha mẹ hãy vỗ tay cổ vũ, khen và động viên để bé có hứng thú hơn trong việc ghi nhớ mặt chữ.

Để dạy Chíp ghép chữ, chị lấy mấy chữ liền để ghép được tên con, tên bố mẹ, tên ông bà hay những từ đơn giản như: bố, mẹ, gà, mèo, chim... Sau đó, để con ghi nhớ, chị lại đặt hàng sẵn để mua, tức là để con tự xếp thành các chữ đúng thì mẹ mới mua, xếp sai là Chíp sẽ... ế hàng. Vì sợ ế hàng và có hứng thú với trò chơi này nên Chíp nhớ nhanh lắm.
Khi con tự thuộc mặt chữ rồi, chị Ngân dạy con đánh vần bằng cách hay nói vần với con, ví dụ: “Hôm nay nhà mình ăn rau: A-I-AI..., tráng miệng bằng quả A-M-AM..., đố con hai món đó là gì?”. Chíp sẽ ngẫm nghĩ một lúc, loại trừ dần sẽ ra rau cải và quả cam.
Khi Chíp 2 tuổi, chị Ngân dạy con ghép dấu bằng cách thỉnh thoảng lại đố con ví dụ B ghép với E thành BE thêm dấu sắc thành BÉ, và làm tương tự với các dấu huyền, ngã, hỏi... Chíp cứ hiểu thế nào là ghép thế ấy, mẹ không cần cầu kì phải ghép thành từ có nghĩa hay không.

Dạy bé học chữ sớm giúp kích thích khả năng tư duy và giúp bé nhạy bén hơn. (Ảnh minh họa).

Thành quả sau những buổi chơi mà học của cả nhà là bây giờ dù mới hơn 3 tuổi, nhưng Chíp đã thuộc hết các mặt chữ cái, ghép chữ rất giỏi và đánh vần cũng khá siêu.

Khi chơi đồ hàng với con, khi tắm cho bé, hoặc khi mẹ nấu ăn, Chíp ngồi loay hoay với bảng chữ cái, mẹ Chíp vẫn ngân nga dạy con: B ghép với A thành BA, M ghép với E thành MẸ, chữ K ghép với chữ H thành chữ KH.... Cứ thế với tất cả các chữ và với trí nhớ của trẻ con, Chíp học rất nhanh mà không cần bất cứ nguyên tắc nào về nguyên âm hay phụ âm. Sau một thời gian kiên trì vừa chơi vừa học, bé Chíp đã học xong chữ một cách thoải mái mà không cần đau đầu nhớ nguyên tắc, không phải bị ba mẹ ép ngồi vào bàn học hay đến các lớp dạy chữ trước khi vào lớp 1.

Khi được 4 tuổi, Chíp dã có thể đọc truyện tranh có các câu ngắn và khi 4 tuổi rưỡi đã đọc tốt các truyện dài.

Theo chị Ngân, với lứa tuổi này, các bé cần rèn luyện trí nhớ và tự tìm ra nguyên tắc chứ không bắt con học theo nguyên tắc sẵn có nào. Dạy con bằng cách vừa chơi kết hợp với học và buôn chuyện như vậy thì vô tình các câu chuyện đó sẽ khiến con thích thú và phải ghi nhớ. Có lẽ mỗi lần như thế lại vạch vào não bé một rãnh nhỏ để ghi nhớ những điều đã được trải qua.
Các mẹ nên nhớ, chỉ đố bằng lời đấy nhé, mẹ nói con trả lời chứ không bắt con động đến sách vở gì đâu! Và trẻ con thường rất hay quên, vì vậy thỉnh thoảng phải lặp lại trò chơi hoặc dưới hình thức khác để con ghi nhớ.

Bây giờ chị Ngân cũng đang dạy con gái thứ 2 như vậy nhưng vì bận rộn hơn nên con gái sau ít được mẹ đố hơn và đố muộn hơn, 3 tuổi bây giờ mới bắt đầu đố ghép dấu.

Đối với tập viết cũng vậy, chị không cho con gái tập viết trước (trừ việc các cô cho tập viết ở trường mẫu giáo). Khi mới đi học, Chíp cũng chỉ được điểm 7 tập viết thôi, nhưng không vì thế mà chị Ngân buồn vì không cho con đến các lò luyện viết chữ đẹp từ trước. Chị dạy cho bé dần dần, Chíp cũng tiến bộ và được điểm 9, điểm 10. Và một điều rất đặc biệt là Chíp vẫn thích đi học lắm vì vẫn còn nhiều điều mới mẻ cần học dù có rất nhiều thứ bé đã biết.
Theo eva.vn
Read more…

Cách dạy con học toán lớp 1

8:16 AM |

Cha mẹ là người hơn ai hết, phải quan tâm trước hết đến con mình, nhất là khi mới cho con vào lớp 1, phải dành thời gian giúp đỡ chăm chút cho con, chứ không nên trông chờ mọi sự vào cô giáo, vì cô là “người mẹ” của trên dưới 50 đứa con cơ mà…
Cách dạy con học toán lớp 1
Cách dạy con học toán lớp 1

Bạn đọc: Hoa Sữa
Tôi cũng rất thông cảm và hiểu nỗi lòng của các bậc cha mẹ đang có con học lớp 1 vì tôi cũng có con nhỏ đang học lớp 1.
Các con đang ở tuổi ăn tuổi chơi, ở mẫu giáo chưa phải học với thời khóa biểu, chưa phải soạn sách, chưa phải chuẩn bị bài cho ngày mai; học lớp 1 các con có nhiều điều buộc phải thay đổi, phải thích nghi dần trong sinh hoạt và học tập để lớn lên.
Con tôi cũng rơi vào tình trạng căng thẳng, nhìn cháu mắt thâm quầng, tôi cũng thấy thương cháu nhưng tôi nhận thấy việc học không quá khả năng của cháu, cháu căng thẳng, mệt mỏi vì cháu chưa quen với nếp sinh hoạt và học tập ở lớp 1. Cũng có trường hợp do cô giáo dạy nhanh, lại quá nghiêm khắc, hay đe nẹt học sinh, làm các cháu sợ như một số bài viết đã phản ảnh.

Để làm giảm bớt tình trạng căng thẳng, khi về nhà, tôi tìm cách dạy cháu học theo phương pháp “vừa học vừa chơi”. Tôi đã đọc toàn bộ chương trình lớp 1, đối với toán, kiến thức chủ yếu các cháu học cộng trừ trong phạm vi 10, tôi đã soạn bảng cộng trừ trong phạm vi 10 và in ra làm nhiều tờ, tôi dán bảng cộng trừ 10 ở tất cả các nơi trong nhà, tủ lạnh, tủ quần áo của cháu, chỗ cháu học đàn, tất cả những nơi mà cháu hay có mặt và khi nấu cơm chiều hay làm bất kể việc gì ở chỗ nào tôi và cháu cũng có thể chơi đố toán, tôi ra đề, cháu tìm đáp số bằng cách tra vào bảng cộng trừ, đến bây giờ cháu đã thuộc được đến bảng 7 rồi.

Đối với tự nhiên xã hội hay môn đạo đức cũng thế, tôi thực hiện dạy cháu bằng công việc hằng ngày, ví dụ như khi đánh răng rửa mặt, khi khách đến nhà, khi cháu chơi với các bạn ở hàng xóm vì những bài học đầu tiên của những môn này đều là giúp các cháu nhận thức về việc làm vệ sinh cá nhân và dạy các cháu khái niện giao tiếp, nhận biết với người xung quanh, bây giờ cháu bước sang tuần thứ 3 trong năm học nhưng hầu như tôi đã truyền tải được toàn bộ kiến thức của những môn đó đến với cháu mà không hề phải bắt cháu ngồi vào bàn học, thậm chí còn không cần phải dùng đến sách giáo khoa.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn
Đối với môn tập đọc và tập viết là tương đối mất nhiều thời gian, buổi tối tôi dành một giờ đồng hồ để giúp cháu tập viết và tập đọc sau đó tôi đọc thời khóa biểu và hướng dẫn bằng lời nói để cháu tự soạn sách, thay bút chì, giặt khăn lau bảng, lấy phấn vào hộp. Sau 3 tuần, cháu đã có thể tự ngồi vào bàn để viết 1 trang (số lượng trang viết và lần đọc tôi quy định), tự đọc bài tập đọc 10 lần, tự soạn sách và treo vào nơi quy định để sáng mai mang đi học.

Giờ quy định đi  ngủ của cháu tôi cũng quy định là 21 giờ, ngồi trên giường tôi đọc truyện cho cháu nghe khoảng 15 phút rồi hướng dẫn cháu đọc khoảng 15 phút để cháu tự đọc, 21g30 cháu đi ngủ.

Tôi nghĩ với thời gian ngủ như thế cháu sẽ được ngủ đủ giấc, giúp cháu được nghỉ ngơi nhiều hơn cháu sẽ đỡ căng thẳng.

Tôi hy vọng với cách làm đó, ít nhiều sẽ giúp phụ huynh có con đang học lớp 1 sẽ tìm được cho mình phương pháp giúp con bớt căng thẳng trong năm đầu đi học.

Bạn đọc: Phạm MùiTôi là một người mẹ có con gái học lớp 1 được 3 tuần. Tuần thứ nhất cô giáo gọi điện cho tôi thông báo rằng cháu viết chữ rất xấu (chữ viết ở nhà xấu hơn ở lớp). Lý do chính là trong thời gian đó tôi đã quá mải mê với công việc của mình nên không kèm cặp cháu. Tuần thứ hai cô giáo cho mời tôi lên để thông báo tình hình của cháu. Cháu đã viết đẹp hơn nhưng vẫn còn viết chậm. Cô hướng dẫn cho tôi phải qui định thời gian cho cháu viết.

Bây giờ ngày nào tôi cũng dành thời gian để kèm cặp con học và nói chuyện với cháu. Cháu kể rất nhiều lần cô giáo đã động viên khen ngợi cháu. Đôi lúc cháu viết bài cũng không được đẹp, tôi doạ cháu là cô sẽ mắng nhưng cháu bảo cô không mắng con đâu, cô chỉ bảo con cần phải chú ý để viết đẹp và đúng. Cũng xin nói thêm là cô có tổ chức học thêm một tuần 2 buổi ở nhà cô nhưng tôi cũng không cho con tôi theo học và tôi cũng gọi điện nói chuyện với cô về hoàn cảnh nhà tôi không có ai đưa đón cháu vào giờ đó. Cô hoàn toàn thông cảm và con tôi cũng vẫn được cô rất quan tâm dù lớp cháu có đến 51 cháu.

Cuối tuần thứ hai tôi đi họp phụ huynh cho cháu. Thấy cô giáo nêu lên điểm tốt và không tốt của từng cháu, tôi thấy cô đã thực sự quan tâm đến các cháu mới có thể biết được ưu và nhược điểm của từng cháu nhanh đến vậy. Cô cũng bày tỏ lo lắng rằng lớp rất đông nên rất cần sự hợp tác tích cực từ gia đình để các cháu đạt kết quả tốt cuối năm. Tôi thấy hoàn toàn đúng vì lớp đông như vậy thì cô chỉ hướng dẫn học là chính. Còn đối với mỗi con, cô cũng chỉ có vài phút để quan tâm thôi nên kèm cặp con từ gia đình là điều vô cùng cần thiết và cũng là để giảm áp lực cho cô. Xin nói thêm rằng ở trường con tôi học, các cháu hoàn toàn học theo sách giáo khoa, đến tuần thứ 3 này các cháu cũng chỉ học đến vần v, ve ve ve, hè về...

Qua đây tôi cũng thật sự mong muốn có nhiều cô giáo như cô giáo ở lớp con tôi đang học và thật sự mà nói thì gia đình tôi rất biết ơn cô giáo nên chắc chắn gia đình sẽ dành một món quà để cảm ơn cô. Tôi nghĩ đó cũng là đạo lý truyền thống của dân tộc.

Vì đọc báo thấy nhiều trường hợp phụ huynh phàn nàn nên tôi cũng thấy rất lo trước con vào lớp 1, vậy nhưng không nghờ mọi chuyện lại nhẹ nhàng đến thế.

Riêng về người cha có con học lớp một tâm sự trong bài “Nỗi lòng của người cha…”. Tôi nghĩ đây là một trường hợp cá biệt. Cô giáo có vẻ không ổn lắm và chính người cha này cũng chưa quan tâm đến con đúng mức. Từ một đứa trẻ hiếu động trở nên lầm lì và hay sợ hãi. Tôi thiết nghĩ anh nên bắt đầu việc tìm hiểu nguyên nhân và giúp con mình trước. Cũng có thể cháu quá hiếu động nên cô giáo có ác cảm.

LTS Dân trí - Những ý kiến đóng góp trên của chính những phụ huynh học sinh đang có con học lớp 1 cho nên có ý nghĩa rất thiết thực đối với những trường hợp tương tự. Đúng là mọi việc học hành của con cũng như trạng thái tinh thần của con không thể trông cậy mọi sự vào cô giáo - Một “Người mẹ” của những bốn, năm chục học sinh, trong khi chúng ta chỉ có một hai đứa con mà không làm tròn bổn phận trông nom, kèm cặp cho con đỡ phải căng thẳng khi mới làm quen với việc học hành của những ngày đầu cắp sách đến trường.

Điều đáng lưu ý ở đây là muốn hỗ trợ cho con đỡ căng thẳng trong học tập thì phải nắm vững phương pháp dạy trẻ, tạo ra tâm lý thoải mái và hào hứng trong học tập “Học mà vui; Vui mà học”. Kinh nghiệm của bạn Hoa Sữa trong bài viết đáng để cho các bậc phụ huynh tham khảo, tuy tốn công phu nhưng chắc hẳn sẽ đem lại kết quả mong muốn.
 Nguồn dân trí.
Read more…

Cách dạy con của người mỹ

8:13 AM |

Phương pháp dạy con của người Mỹ

Cách dạy con của người mỹ
Cách dạy con của người mỹ

 

Có một ngày buổi trưa, Peter giận dỗi, không chịu ăn cơm. Susan la rầy mấy câu, Peter giận hờn đẩy khay cơm xuống đất, thức ăn trên khay rớt đầy trên đất. Susan nhìn Peter, giọng nói nghiêm khắc: “Xem ra con đúng thật không muốn ăn! Nhớ lấy, từ giờ đến sáng mai, con không được ăn gì hết.” Peter gật gật đầu, kiên quyết trả lời: “Yes!” Và trong lòng tôi chợt cười thầm, hai mẹ con này cứng đầu như nhau!
Phương pháp dạy con của người Mỹ
Dâu Tây dạy con, mẹ chồng đại khai nhãn giới


Con trai du học, sau khi tốt nghiệp rồi định cư tại Mỹ. Và đã kiếm cho tôi con dâu người Tây tên Susan. Hiện giờ, cháu trai Peter đã 3 tuổi. Mùa hè năm nay, con trai đăng ký visa thăm người thân. Thời gian 3 tháng lưu lại Mỹ, con dâu Tây Susan có cách giáo dục con cái làm tôi đây, người mẹ chồng phải đại khai nhãn giới.



Phần 1: Không ăn thì cứ nhịn đói



Mỗi buổi sáng, sau khi Peter thức dậy, Susan để phần ăn sang lên bàn và bận rộn làm việc khác. Peter sẽ tự mình leo lên chiếc ghế, uống sữa, ăn bánh sandwich, sau khi ăn no, nó sẽ tự về phòng của mình, tự tìm quần áo trên tủ, rồi tự lấy giày, tự mình mặc lên. Bất kể chỉ mới 3 tuổi thôi, vẫn chưa phân biệt rõ ràng mặt trái hay mặt phải của bít tất, giày trái hay giày phải.

Có một lần, Peter lại mặc ngược chiếc quần lên người, tôi vội vàng chạy đến muốn thay lại cho cháu, nhưng đã bị Susan cản lại. Nó nói, nếu cảm thấy không thoải mái tự cháu sẽ cởi ra, và mặc lại; nếu nó không cảm thấy không có gì là không thoải mái, vậy thì tùy. Và nguyên ngày đó, Peter mặc cái quần ngược đó chạy tới chạy lui, Susan như không thấy gì hết.

Một lần nữa, Peter ra ngoài chơi với cháu nhà hàng xóm, chưa được bao lâu thì nó chạy thở hổn hển về đến nhà, nói với Susan: "Mẹ ơi, Lusi nói cái quần của con mặc ngược rồi, đúng không? Lusi là con nhà hàng xóm, năm nay 5 tuổi. Susan mỉm cười nói: "Đúng vậy, con có muốn mặc lại không?” Peter gật gật đầu, tự mình cởi quần ra, xem tỉ mỉ rồi, bắt đầu mặc lại. Từ lần đó về sau, Peter không bao giờ mặc ngược quần nữa.

Tôi đã không kiềm được mà nhớ lại, cháu gái ngoại của tôi lúc 5 - 6 tuổi chưa biết dùng đũa, lúc học tiểu học còn chưa biết cột dây giày, và bây giờ đang theo trung học dạng ký túc như nó, mỗi cuối tuần là đem một đống quần áo dơ về nhà.

Có một ngày buổi trưa, Peter giận dỗi, không chịu ăn cơm. Susan la rầy mấy câu, Peter giận hờn đẩy khay cơm xuống đất, thức ăn trên khay rớt đầy trên đất. Susan nhìn Peter, giọng nói nghiêm khắc: "Xem ra con đúng thật không muốn ăn! Nhớ lấy, từ giờ đến sáng mai, con không được ăn gì hết.” Peter gật gật đầu, kiên quyết trả lời: "Yes!” Và trong lòng tôi chợt cười thầm, hai mẹ con này cứng đầu như nhau!

Buổi chiều, Susan bàn bạc với tôi, buổi tối do tôi nấu món ăn Trung Hoa. Trong lòng tôi suy tư một lúc, Peter đặc biệt thích món ăn Trung Hoa, nhất địng Susan cảm thấy sáng nay không ăn được gì hết, nên muốn buổi tối cháu ăn ngon nhiều hơn. Buổi tối hôm đó, tôi trổ tài nấu ăn, làm món sườn chua ngọt mà Peter thích ăn nhất, tôm, và còn sử dụng mì Ý làm theo mì lạnh kiểu Trung Hoa. Peter thích nhất món mì lạnh, người nhỏ nhỏ như thế nhưng có thể ăn được một tô lớn.

Bắt đầu bữa cơm tối, Peter vui mừng nhảy lên ghế ngồi. Susan lại đến gần lấy đi dĩa và nĩa của con, nói: "Chúng ta không phải giao ước rồi, hôm nay con không được ăn gì hết, chính con cũng đồng ý rồi đó.” Peter nhìn khuông mặt nghiêm túc của người mẹ, "òa” lên một tiếng rồi khóc, vừa khóc vừa nói: "Mẹ ơi, con đói, con muốn ăn cơm.” "Không được, nói rồi là phải giữ lời.” Susan không một chút động lòng.

Tôi thấy đau lòng muốn thay cháu cầu xin, nói đỡ lời dùm, nhưng thấy ánh mắt ra hiệu của con trai tôi. Nhớ lại lúc mới đến Mỹ, con trai có nói với tôi: "Ớ nước Mỹ, lúc cha mẹ giáo dục con cái, người ngoài không nên nhúng tay, bất kể là trưởng bối cũng không ngoại lệ.” Không còn cách nào, tôi chỉ còn giữ im lặng mà thôi.

Bữa cơm đó, từ đầu đến cuối, Peter tội nghiệp chỉ ngồi chơi với chiếc xe mô hình, mắt trưng trưng nhìn ba người lớn chúng tôi ăn như hổ đói. Đến đó tôi mới biết dụng ý thật sự của Susan khi để tôi nấu món Hoa. Tôi tin rằng, lần sau, trong lúc Peter muốn giận hờn quăng liệng thức ăn, nhất định sẽ nghĩ đến kinh nghiệm bụng đói nhìn ba mẹ và bà nội ăn cao lương mỹ vị. Bụng đói không dễ chịu tí nào, huống chi là đối mặt với món mình thích ăn.

Lúc ngủ tối, tôi và Susan cùng đến chúc Peter ngủ ngon. Peter cẩn thận dè dặt hỏi: "Mẹ ơi, con đói lắm, giờ con có thể ăn món Trung không?”. Susan mỉm cười lắc đầu, kiên quyết nói: "Không!” Peter nuốt nước miếng lại hỏi: "Vậy để con ngủ dậy rồi khi mở mắt con được ăn chứ?” "Đương nhiên được rồi.” Susan thật dịu dàng khẽ đáp. Peter đã cười tươi ra.

Phần lớn dưới tình trạng này, Peter rất tích cực ăn cơm, nó không muốn vì "tuyệt thực” mà lỡ mất miếng ăn, và chịu cực hình bụng đói. Mỗi lần nhìn thấy Peter ngoạm từng phần lớn thức ăn, lúc miệng và mặt dính đầy thức ăn, tôi lại nhớ đến cháu gái, lúc như tuổi của Peter, vì phải dỗ dành cho nó ăn cơm, mấy người cầm lấy tô cơm và dí theo sau đuôi nó, nó còn chưa chịu ngoan ngoãn, còn ra điều kiện: ăn xong chén cơm mua một kiện đồ chơi, ăn thêm một chén thì mua thêm một đồ chơi…

Phần 2: Ăn miếng trả miếng

Có một lần, chúng tôi dắt Peter ra công viên chơi. Rất nhanh, Peter đã cùng hai cô gái chơi nấu ăn với nhau. Cái nồi nhỏ bằng mũ, cái xẻng nhỏ, cái thau nhỏ, những cái chén nhỏ xếp đầy trên đường. Bất ngờ, Peter tinh nghịch cầm cái nồi bằng nhựa lên, rất mạnh đập lên đầu cô bé kia, cháu gái kia bần thần một lúc và khóc thật lớn. Còn cháu kia khi thấy tình hình vậy cũng khóc thật lớn. Đại khái, Peter cũng không nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng như vậy sẽ xảy ra, đứng qua một bên, trợn mắt nhìn.

Susan đi về phía trước sau khi hiểu được đầu đuôi sự việc, nó không quát nạt một tiếng, cầm lấy cái nồi ấy, gõ một cái mạnh lên đầu Peter. Peter không phòng bị, và té ngã xuống bãi cỏ, khóc nức nở lên. Susan hỏi Peter: "Đau không? Lần sau có còn làm thế nữa không?”. Peter một bên khóc một bên lắc đầu. Tôi tin rằng, lần sau nó sẽ không làm thế nữa.

Cậu của Peter đã tặng cho cháu một chiếc xe đạp nhỏ, Peter rất thích, lấy làm bảo bối không cho ai đụng vào. Lusi cô bé trong xóm là bạn thân của Peter, đã thỉnh cầu Peter mấy lần muốn chạy thử chiếc xe nhỏ này, Peter vẫn không đồng ý. Có một lần, mấy cháu nhỏ chơi chung với nhau, Lusi thừa lúc Peter không để ý lén lén nhảy lên chiếc xe, và chạy đi. Sau khi Peter phát hiện rất phẫn nộ, méc với Susan. Susan đang nói chuyện và uống café với mẹ của những đứa nhỏ kia, bèn mỉm cười trả lời con: "Chuyện của chúng con thì chúng con tự giải quyết, mẹ không quản được.” Peter bất lực quay đi.

Qua được ít lát, Lusi chạy chiếc xe về. Peter vừa thấy Lusi thì lập tức đẩy bạn té xuống đất, dật lại chiếc xe. Lusi ngồi bẹp tại đất và khóc lên. Susan ẵm Lusi dậy và dỗ dành một lát. Rất nhanh sau đó Lusi đã chơi vui vẻ lại với những bạn còn lại.
Peter tự mình chạy xe tới lui một lát thì cảm thấy hơi nhàm chán, nhìn thấy những bạn kia chơi thật vui vẻ với nhau nên nó muốn tham gia chung.

Nó đã chạy tới chỗ Susan, lầu bầu thưa: "Mẹ, con muốn chơi với Lusi và chúng nó.” Susan không đả động gì và trả lời: "Con tự kiếm mấy bạn ấy vậy!”.

"Mẹ ơi, mẹ đi với con hen.” Lời thỉnh cầu của Peter. "Chuyện này không được rồi, lúc nãy con đã làm cho Lusi khóc, giờ con lại muốn chơi với mọi người, vậy con phải tự đi giải quyết vấn đề".

Peter leo lên chiếc xe và chạy từ từ đến chỗ Lusi, lúc gần đến chỗ, thì nó lại quay ngược đi. Chạy tới lui mấy vòng như vậy, không biết từ lúc nào mà Peter và Lusi lại vui vẻ với nhau, hợp thành nhóm ồn ào.

Quản giáo con cái là chuyện của cha mẹ

Cha mẹ của Susan ở tại California, biết tôi đã đến hai người đã lái xe đến thăm chúng tôi. Trong nhà có khách tới, Peter rất hào hứng. chạy lên chạy xuống. Nó lấy cái thùng đựng đầy nước, rồi xách cái thùng bê tới bê lui trong nhà. Susan cảnh cáo nó mấy lần rồi, không được làm nước văng lung tung trong nhà, Peter để ngoài tai.

Cuối cùng Peter đã làm nước đổ hết ra nền. Peter nghịch ngợm còn chưa thấy mình làm sai việc, còn rất đắc ý lấy chân dẫm lên vũng nước, làm ướt hết quần. Tôi lập tức chạy đi lấy cây lau nhà để dọn dẹp. Susan giật lại cây lau nhà và đem đưa cho Peter, nói với nó: "Lau sàn cho khô, cởi đồ ướt ra và tự mình giặt sạch.” Peter không chịu vừa khóc vừa la. Susan không nói thêm lời nào, lập tức kéo nó đến phòng trữ đồ, đóng chặt cửa lại. Nghe từ bên trong tiếng khóc hoảng sợ của nó, tim tôi đau thắt lại, rất muốn chạy đến ẵm cháu ra. Bà ngoại của Peter lại cản tôi, nói: "Đó là chuyện của Susan".

Đến một lát sau, Peter không khóc nữa, nó ở trong phòng trữ đồ hét thật lớn: "Mẹ ơi, con sai rồi.” Susan đứng ở ngoài hỏi: "Thế giờ con biết phải làm gì chưa?” "Con biết.” Susan mở cửa ra, Peter chạy từ phòng trữ đồ ra, nước mắt đầy mặt. Nó cầm cây lau nhà cao hơn 2 người của nó ra sức lau cho khô sàn nhà. Sau đó tự cởi quần áo dơ ra, xách trên tay, trần chuồng chạy vô nhà tắm, hí hửng giặt đồ.

Ông bà ngoại của nó nhìn vào thái độ kinh ngạc của tôi, thích thú mỉm cười. Sự việc này làm tôi cảm động vô cùng. Ở rất nhiều gia đình Trung Quốc, cha mẹ giáo dục con cái thì thường phát sinh vấn đề "đại chiến thế giới”, luôn luôn được ngoại nuông chiều, nội thì can ngăn, vợ chồng cãi nhau, gà bay chó chạy.

Sau này, tôi và ông bà ngoại của Peter nói chuyện, nhắc đến chuyện này, làm tôi ấn tượng sâu sắc bởi câu họ nói: "con cái là con cái của cha mẹ, trước tiên phải tôn trọng cách giáo dục của cha mẹ".

Đứa bé tuy còn nhỏ, nhưng lại bẩm sinh nghịch ngợm, lúc nó quan sát được thành viên trong gia đình có phân biệt khác thường, nó sẽ rất nhạy bén lợi dụng sơ hở. Việc này không làm cải thiện hành vi của nó mà chẳng có lợi cho nó. Ngược lại còn làm cho vấn đề càng nghiêm trọng hơn, thậm chí còn đem lại những vấn đề khác.

Ngoài ra, thành viên trong gia đình còn xảy ra xung đột, gia đình có không khí không hòa thuận sẽ đem đến nhiều cảm giác không an toàn cho trẻ, đối với việc phát triển tâm lý của nó phát sinh ảnh hưởng bất lợi. Cho nên, dù là bậc cha mẹ hay ông bà có vấn đề phân chia giáo dục con cái, hay là vợ chồng có quan niệm giáo dục khác nhau cũng không nên ở trước mặt con cái xảy ra mâu thuẫn.

Ông bà ngoại của Peter ở lại một tuần và chuẩn bị về Cali. Hai ngày trước khi đi, ông ngoại của Peter rất nghiêm túc hỏi con gái mình: "Peter muốn chiếc xe đào đất, tôi có thể mua cho nó chứ?”. Susan suy nghĩ rồi nói: "Cha mẹ lần đến này đã mua cho nó đôi giày trượt băng làm qùa rồi , đến Noel mới mua nó làm quà vậy!”.

Tôi không biết ông ngoại của Peter nói như thế nào với thằng nhóc này, sau đó tôi dắt cháu đi siêu thị, nó chỉ tay vào món đồ chơi đó nói: "Ông ngoại nói, đến Noel sẽ mua tặng cháu cái này làm quà.” Khẩu khí rất thích thú và mong đợi.

Tuy Susan nghiêm khắc như vậy với cháu, nhưng Peter lại yêu thương mẹ hết mực. Khi chơi ở ngoài, nó sẽ thu thập một số hoa hoặc là lá mà nó cho là đẹp rồi trịnh trọng tặng cho mẹ. Người ngoài tặng quà cho nó, nó luôn gọi mẹ cùng mở quà chung; có thức ăn ngon luôn để một nửa cho mẹ.

Nghĩ đến nhiều đứa trẻ coi thường và lạnh nhạt đối xử đối với cha mẹ, tôi không thể không kính phục con dâu Tây này của tôi. Theo tôi mà nói, ở phương diện giáo dục con cái của các bà mẹ Phương Tây rất xứng đáng để các bà mẹ học theo.


Sưu Tầm - 02.03.2013
Read more…

7 cách nuôi dạy làm con hư nhanh nhất

8:43 AM |
Trẻ con lúc mới sinh ra chưa biết đâu là mặt tốt, đâu là mặt xấu. Trong mắt trẻ, mọi thứ luôn là màu hồng tươi đẹp. Trẻ cần học hỏi, sự dạy bảo của mọi người xung quanh, của ba mẹ để thích nghi với điều kiện sống mà tồn tại. 
 
Tuy nhiên, tiêu cực phát sinh từ người lớn khiến cho những đứa trẻ “gần mực thì đen” bị vấy bẩn theo. Dưới đây là những cách dạy con khiến con ngày càng hư:

1. Đánh con

Bạn đang phải chịu sức ép từ  công việc, về tới nhà, thấy con mình đang bày đồ chơi và hò hét ầm ĩ. Bạn rất cáu, thậm chí còn quát nạt và đánh chúng.

Bạn nghĩ rằng điều đó chẳng hề ảnh hưởng gì tới trẻ. Tuy nhiên, câu nói và thái độ của bạn lúc đó khiến đứa trẻ hiểu rằng nó không được tôn trọng. Đó là cách nuôi dạy con phổ biến mà cha mẹ không nghĩ rằng nó khiến trẻ trở nên hư.

Trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi và nếu điều đó kéo dài thì lớn lên, rất có có thể trẻ sẽ có xu hướng bạo lực, thích bắt người khác phải làm theo ý của mình. Bởi vậy, hãy để ý trong cách nói chuyện với con bởi bạn chính là tấm gương cho con.
Đánh con là cách thể hiện sự bất lực của bố mẹ. (Ảnh minh họa)
Đánh con là cách thể hiện sự bất lực của bố mẹ. (Ảnh minh họa)
2. Chửi thề

Bạn đang bực mình hay giận dỗi chồng vì 1 lí do nào đấy. Bạn không thể kìm nén và thể hiện nó ra ngoài bằng những lời lẽ không hay trước mặt bọn trẻ. Trẻ sẽ được chứng kiến thái độ, giọng nói của bạn. Chúng sẽ nhớ mãi hình ảnh không hay này. Chưa kể bạn có thể phát ngôn ra những câu chửi thề và ngôn ngữ "người lớn". Khi đó trẻ sẽ bắt chước rất nhanh, chúng sẽ nhớ và có suy nghĩ về sự đòi hỏi trong cuộc sống.

Do đó hãy tránh những câu chửi thề hoặc ngôn ngữ “người lớn” trước mặt trẻ. Thay vào đó, bạn có thể bình tĩnh và nói bằng thái độ dịu dàng, mềm mỏng hơn. Trẻ sẽ học được cách lắng nghe và chia sẻ cảm xúc từ bố mẹ của chúng.

3. Nuông chiều con

Cha mẹ nào cũng thường có tâm lí, muốn cho con bằng bạn bằng bè nên sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ. Cách làm này khiến chúng có thói ỷ lại và sẽ luôn nghĩ rằng, mình là vị trí số 1, chúng sẽ chỉ biết nhận chứ không hề biết chia sẻ. Hãy yêu con một cách đúng đắn và tuyệt đối không chiều trẻ, không để trẻ 'muốn gì được nấy'.

4. Gây gổ đánh nhau

Nếu bạn ra đường,. chẳng may có xô xát hay va chạm với ai đó, tuyệt đối không nên hành xử theo kiểu giang hồ, bởi hành động đó sẽ khiến trẻ nghĩ rằng chiến đấu và gây gổ là cách giải quyết mọi việc. Rất có thể sau ngày hôm đó, bạn sẽ thấy trẻ thường xuyên gây gổ và hiếu thắng với bạn bè.

5. Cấm đoán vô lí

Con bạn tranh giành đồ chơi với đứa trẻ hàng xóm và xảy ra xô xát. Bạn thấy vậy liền cấm con mình không được chơi với đứa trẻ đó nữa chứ không hề giải thích rằng con không nên làm vậy.

Cách làm của bạn khiến đứa trẻ không phân biệt được sai trái và luôn có tâm lí muốn trả thù.

6. Những lời đe dọa vô nghĩa

Khi con đánh, cãi nhau...không ít phụ huynh khác thường nghiêm mặt, dọa nạt: "Hãy thôi đi, nếu không mẹ sẽ đánh đòn cả hai đấy!" nhưng nói xong để đó và chẳng có hình phạt nào được thực hiện.

Nói những câu mà bạn không chủ ý hoặc những lời đe dọa chỉ dùng để dọa nạt trẻ chứ không bao giờ thực hiện là sai lầm hết sức 'ngớ ngẩn'. Hành động này sẽ không thể ngăn lại những trò quậy phá của trẻ.

7. Thất hứa

Trẻ con rất nhạy cảm, người lớn nếu đã hứa với trẻ 1 điều gì thì nên bằng mọi cách để thực hiện nó, tuyệt đối không nên thất hứa với trẻ bởi nếu thất hứa dù chỉ 1 lần, trẻ sẽ mất niềm tin. Từ đó những lời dạy bảo của người lớn hoàn toàn vô tác dụng đối với trẻ.
Read more…

Những cách nói để bé nghe lời răm rắp

8:42 AM |

Một trong những cách dạy con ngoan là cha mẹ cần biết nói chuyện với bé. Những cách dưới đây sẽ giúp bé nghe lời răm rắp mà bạn không cần phải mất công quát mắng.

Cha mẹ nên biết rằng cách mình giao tiếp với con cũng chính là cách bé dùng để giao tiếp với người khác. Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn dạy bé nghe lời.

1. Hiểu tâm lý con là cách để bé nghe lời

Đe dọa và giận dữ từ mẹ chỉ đẩy bé vào thế phòng thủ. Vì vậy khi muốn con làm một việc gì đó, thay vì hét lên: "Con phải dọn gọn chỗ đồ chơi này vào ngay cho mẹ", thì hay nói: "Mẹ cần con dọn dẹp hết đồ chơi con vừa bày ra. Mẹ bận lắm, mẹ còn rất nhiều việc khác phải làm".
Một lời khuyên hữu ích nữa là cha mẹ đừng bao giờ đặt ra những câu hỏi mà bé có thể trả lời bằng "không", ví dụ: "Con có nhặt quyển sách lên không?", mà hãy nói: "Con nhặt quyển sách lên giúp mẹ nhé".
2. Quy định những thói quen

Thay vì cứ đến bữa bạn lại phải hò hét ầm nhà để gọi con ngồi vào bàn ăn hay mỗi tối trước khi đi ngủ bạn phải dùng đủ mọi cách từ nịnh nọt đến dọa nạt để con đi đánh răng thì hãy tạo ra những thói quen. Và một cách đơn giản để những thói quen ấy trở thành thói quen thật sự thì mẹ hãy cùng bé đọc to những việc cần làm, ví dụ: "Phải rửa tay trước khi ăn", "Nên đánh răng 2 lần mỗi ngày", "Khi ăn phải ngồi ngay ngắn trên ghế"...

3. Hãy cho bé sự lựa chọn

Cuối tuần, bé rất thích đi chơi công viên nhưng bạn lại không thể đưa con đi. Thay vì cứ khăng khăng "Con không được đi công viên" thì hoặc là giải thích lý do hôm nay con không thể đi được, hoặc là đưa cho bé sự chọn lựa: "Con không thể đi công viên nhưng con có thể được sang nhà bạn Bin chơi hoặc đọc cuốn truyện tranh mà con yêu thích".

4. Kết thúc tranh cãi

Khi bé nhà bạn bướng bỉnh, cứ khăng khăng không muốn làm theo ý mẹ và đưa ra những lý lẽ của riêng mình thì bạn hãy kết thúc tranh cãi bằng cách nói kiên định: "Mẹ sẽ không thay đổi quyết định của mình đâu". Đến nước này, bé nghe lời mẹ tuy hơi có chút ấm ức. Khi mọi cảm xúc được lắng xuống, mẹ hãy lựa thời điểm để giải thích cho bé hiểu vì sao mẹ làm thế.
Những cách nói để bé nghe lời răm rắp 1
Ảnh minh họa
5. Những kiểu nói dễ được bé chấp nhận

"Khi nào... thì": “Khi nào con đánh răng xong thì mẹ sẽ đọc truyện cổ tích cho con” hoặc “Khi nào con vẽ xong thì mẹ sẽ cho con xem hoạt hình”. Từ “khi nào” ngụ ý đó là công việc bé cần hoàn thành và mang nghĩa tích cực hơn so với khi dùng từ “nếu”.
"Khi con... mẹ cảm thấy... bởi vì...": Chẳng hạn: “Khi con chạy lung tung trong siêu thị, mẹ cảm thấy lo lắng bởi vì con có thể bị lạc”.
Thông báo trước: Thay vì đột ngột bắt con phải dừng chơi gì đó, hãy thử nói: “Sắp đến giờ về rồi. Con chuẩn bị bye-bye các bạn nhé”.
Hãy gọi tên bé: Khi đề nghị bé, bạn hãy gọi tên con; chẳng hạn: “Nhím, lấy giúp mẹ quyển sách”.
6. Nguyên tắc từng câu một
Đừng yêu cầu bé làm quá nhiều việc cùng một lúc vì mẹ càng dông dài, bé càng có xu hướng giả điếc. Nói quá nhiều là sai lầm phổ biến của cha mẹ khi đối thoại với con và muốn bé nghe lời.
Để bé chắc chắn hơn, cha mẹ nên để bé nhắc lại yêu cầu của mình. Nếu bé không nhắc được tức là yêu cầu của mẹ quá dài và quá phức tạp.
7. Bắt đầu "chỉ thị" của bạn với "mẹ muốn"
Thay vì "Bỏ con dao xuống", hãy nói "Mẹ muốn con bỏ dao xuống". Thay vì: "Hãy cho Sam mượn đồ chơi", bạn nói: "Mẹ muốn con cho Sam mượn đồ chơi". Điều này hợp với tâm lý phát triển của bé: muốn làm mẹ vui nhưng ghét bị ra lệnh.

8. Hướng dẫn bé cách giải quyết

Thay vì: "Đừng để bóng giữa nhà", bạn có thể thử: "Sam, con tìm chỗ cất quả bóng này cho gọn". Để bé tìm giải pháp cho một vấn đề thì tốt hơn vì nó là bài học tư duy lâu dài cho bé.

9. Nói đi – nói lại

Các bé tuổi mẫu giáo cần được nhắc nhở hàng nghìn lần cho cùng một việc. Bé dưới 2 tuổi gặp khó khăn khi ghi nhớ yêu cầu của mẹ. Hầu hết những bé từ 3 tuổi đều tiếp thu tốt những gì bạn đề nghị nhưng bạn vẫn cần nhắc nhở bé.

10. Phản ứng đối lập

Nếu bé nhà bạn cáu kỉnh, càng hét to lên thì bạn càng cần phải trả lời nhẹ nhàng hơn. Đừng bị chi phối bởi cảm xúc tiêu cực của con. Khi tâm trạng của bé không được tốt, bạn có thể nhẹ nhàng: "Mẹ hiểu..." hoặc "Mẹ giúp được gì cho con?". Một thái độ mềm mỏng của mẹ sẽ làm bé dịu cơn nóng nảy và biết nghe lời mẹ hơn.
 
Read more…

Cách dạy con thông minh của người Nhật

8:36 AM |

Trẻ con Nhật chăm chỉ học tập, khả năng quyết đoán cao,... Chúng ta cùng tham khảo và khám phá những nét đặc trưng trong cách dạy con của cha mẹ Nhật

1. Chú trọng chuyện cổ tích

Cũng như các bậc cha mẹ khác thường kể cho bé nghe những câu chuyện cổ tích và thần tiên. Tuy nhiên, người Nhật tiến thêm một bước nữa khi họ tin rằng chính thế giới thần thoại cùng những điều lạ kỳ và không tưởng ấy chính là chất liệu và niềm cảm hứng cho sự sáng tạo vô biên của đứa trẻ sau này. Hãy thử nhìn vào cuộc sống thường ngày và ta sẽ thấy: trong truyện có thảm thần và ngoài đời chúng ta có máy bay, trong truyện chỉ cần phẩy tay là cửa mở và ngoài đời chúng ta có hệ thống cửa cảm biến,...

Cách dạy con thông minh của người Nhật
2. Không quy chụp, áp đặt

Đặc biệt, cha mẹ Nhật ít khi quy kết con trẻ như “Con thật lười biếng” hoặc “Sao con lì lợm thế”, bởi họ hiểu tâm lý của trẻ con “Khi bạn mắng con bạn là đồ con lợn 10 lần, chúng sẽ kêu ụt ịt vào lần thứ 11”. Khi dùng những lời lẽ tiêu cực và quy chụp để mắng dạy con, trẻ con sẽ bị giáo dục đúng theo lối bị phủ nhận đó.

Khen con, khen hành vi cụ thể: Nếu chỉ khen “Con tôi giỏi quá” thì sẽ biến trẻ thành tự phụ. Không chỉ là khen trẻ mà cha mẹ Nhật thường khen hành vi mà trẻ đã làm như “Con mẹ tự xúc cơm thật cừ” hay “Ai mà tự thay quần áo giỏi thế nhỉ!”. Khi trẻ được khen về một hành động cụ thể nào đó, chúng sẽ cố gắng làm tốt việc đó ở những lần kế tiếp để lại được cha mẹ hài lòng và khen ngợi.

Cha mẹ Nhật không ngại khen con nhưng họ khen rất cụ thể như “Con đọc chữ này đúng và giỏi quá!”

3. Hầu như không cho con xem TV

Ngoài việc xem TV tốn thời gian và có thể khiến trẻ bị nghiện, cha mẹ Nhật còn ý thức rất rõ việc nếu cho con xem tivi quá sớm và quá nhiều thì cấu trúc của đại não sẽ bị phá vỡ.

Từ tivi phát ra dòng âm cực sản sinh ra từ điện áp 20,000 volts, gây ảnh hưởng không tốt đến thùy não trước (phần tạo ra năng lực suy nghĩ) của con người.

Các nhà khoa học Nhật Bản cũng cảnh báo rằng sự tích tụ này trong vài chục năm sau sẽ có thể gây ra bệnh máu trắng cũng như làm tăng chiều hướng của hiện tượng tự kỷ.

“Tắt TV, Bật ý tưởng” là châm ngôn truyền miệng của phụ huynh Nhật.

4. Dạy chữ từ sớm

Theo các công trình nghiên cứu của Nhật, việc dạy chữ có thể làm thay đổi chức năng, và dẫn đến cấu tạo não thay đổi theo. Hiện tượng này, trẻ càng nhỏ càng dễ. Khi trẻ nhỏ nhớ chữ, sẽ có được tốt chất cao phi thường.

Các bậc cha mẹ ở Nhật quán triệt dạy chữ cho con ngay từ rất sớm do bởi khi mới sinh ra. Trẻ chỉ là một động vật nhỏ, nhưng khi hệ tín hiệu ngôn ngữ và học chữ bắt đầu hoạt động, trẻ trở thành con của loài người. Họ hiểu rằng để hệ tín hiệu ngôn ngữ này hoạt động tốt, trẻ càng học gần với thời điểm mới sinh ra càng có hiệu quả cao.

Theo các công trình nghiên cứu của Nhật, việc dạy chữ có thể làm thay đổi chức năng, và dẫn đến cấu tạo não thay đổi theo.

5. Kiên nhẫn lặp đi lặp lại

Khác với nhiều người có thể bực mình khi trẻ thơ thường hỏi đi hỏi lại một điều ngô nghê, cha mẹ Nhật không ngại giải thích nhiều lần cho con họ ở một vấn đề. Theo họ, để đứa trẻ có thể thành thạo 1 việc thì phải cần ít nhất là 3 tháng.

Chẳng hạn, khi trẻ đã nhớ được chữ “a i u e o” thì phải mất ít nhất 3 tháng trẻ mới có thể đọc được chúng thành thạo.

6. Luyện trí nhớ

Không phải ngẫu nhiên mà Nhật Bản có rất nhiều trò chơi trí tuệ phục vụ cho việc luyện trí nhớ cho cả trẻ nhỏ và người lớn. Người Nhật quan niệm, “Người thông minh là người nhớ nhiều hơn người khác và biết cách áp dụng những điều ghi nhớ đó hợp lý”. Do đó theo họ, trí thông minh là thứ có thể luyện tập và có được chứ không phải thuộc về khả năng bẩm sinh.

Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em Nhật đã được tiếp xúc với các trò chơi trí tuệ luyện trí nhớ

7. Vận động đầy đủ

Không chỉ tập trung phát triển trí tuệ, các cha mẹ Nhật cũng rất chú trọng việc rèn luyện thể chất. Ngay từ khi bé chào đời, cha mẹ đã lưu ý giáo dục về tất cả các mặt sức khỏe, vận động, đạo lý, kỷ luật, tình cảm.

Đối với trẻ lên 2, cha mẹ đã cho trẻ đi bộ đều đặn hàng ngày và họ chia nhỏ khoảng cách tập luyện thành những đoạn ngắn 10m, 20m mỗi ngày.

“Một trí tuệ minh mẫn trong cơ thể cường tráng”, cha mẹ Nhật hiểu rõ điều này.

8. Thói quen tra cứu, tìm tòi

Cha mẹ đã biết hướng dẫn con mình sử dụng loại từ điển dễ tra cứu dành cho trẻ em. Trẻ dùng từ điển đó để tra nghĩa của từ, hay cách viết đúng chữ Hán. Chẳng hạn, khi biết địa chỉ rồi nhưng được người khác đưa lên xe dẫn đi thì chúng ta cảm thấy rất khó nhớ đường. Nhưng nếu tự dùng bản đồ, rồi vừa đi vừa hỏi đường thì chúng ta sẽ nhớ rất lâu.

Cũng tương tự như thế, trẻ con sẽ dễ tiếp nhận kiến thức nếu chúng tự tìm, mất công để tra cứu hơn là được cha mẹ dạy cho một cách thụ động.

Ngay cả đối với những trẻ Nhật khó dạy theo cách đơn điệu, thì bằng cách này chúng cũng có thể học được một cách chính xác mà không hề cảm thấy nhàm chán.

Với những phương pháp dạy con tinh tế như thế, ắt hẳn người Nhật cũng sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều điều bổ ích để áp dụng cho chính gia đình của mình.
Read more…